Google "gần như" đã đầu hàng Apple trên thị trường máy tính bảng và đây là minh chứng
Chiếc máy tính bảng đầu tiên của Google trong sự kiện Google I/O diễn ra vào vài tháng trước mang tên Pixel Tablet đã cho thấy tiềm năng rất lớn của sản phẩm với phần cứng do chính Google sản xuất.
Nhưng đó là những suy nghĩ của mình trước khi xem toàn bộ sự kiện ra mắt sản phẩm của Google và các trang review hàng đầu về chiếc máy tính bảng mới nhất của Google. Dường như Google Pixel Tablet không phải là chiếc máy tính bảng đơn thuần nữa mà chỉ là thiết bị giúp hỗ trợ điều khiển nhà thông minh hay các tính năng liên quan đến trải nghiệm và trình diễn các hình ảnh, video.
Nếu bạn chưa biết thì Google Pixel Tablet khá giống với các thiết bị Nest Hub hay chế độ Standby mới của iOS 17. Vì sao Google đã lựa chọn thị trường người dùng không phổ biến và khác xa so với định hướng của toàn bộ ngành công nghiệp tablet thời điểm hiện tại. Và không để bạn chờ đợi lâu thêm nữa, hãy cùng mình tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé.
Trở về năm 2011 với Android 3.0 Honeycomb
Nếu như bạn là người dùng đam mê công nghệ và biết đến những chiếc điện thoại Android từ rất sớm thì chắc hẳn bạn sẽ không quên được phiên bản Android 3.0 Honeycomb. Vào năm 2011 nhận thấy được tiềm năng rất lớn trên những chiếc iPad, Google đã phát triển và giới thiệu hệ điều hành Android 3.0 Honeycomb dành riêng để phục vụ cho các thiết bị sở hữu màn hình lớn.
Việc được phát hành phiên bản dành riêng cho những chiếc máy tính bảng đã mở ra thời kỳ huy hoàng cho những chiếc máy tính bảng Android. Dù cho sau này Google đã khai tử phiên bản Android 3.0 Honeycomb nhưng các thương hiệu máy tính bảng khi đó vẫn rất tích cực ra mắt các sản phẩm sử dụng Android 4.4 hay Android 5.0.
Những điều này cũng cho thấy tầm nhìn của Google về dòng máy tính bảng trong tương lai và khẳng định sự ra đi của Android 3.0 Honeycomb là điều tất yếu. Phiên bản giao diện cũ kỹ, quá nhiều cấu hình phần cứng và cũng chẳng có nhiều ứng dụng hỗ trợ cho các sản phẩm máy tính bảng nên dường như màn hình lớn rất khó để phát huy tối đa khả năng của mình.
Việc ra đi của Android 3.0 cũng là đòn giáng rất mạnh vào thị trường máy tính bảng cực kỳ sôi động khi đó. Mặc dù các sản phẩm liên tục phát hành với Android 4.4.4 hay Android 5.0 nhưng không còn quá nhiều ứng dụng dành riêng cho máy tính bảng hay nói cách khác toàn bộ ứng dụng phổ biến nhất của Play Store đều là phiên bản trên điện thoại được phóng to hơn.
Trong khi đó, iPad thời điểm này đã có những bước tiến rất lớn như phiên bản iPad Air được chuyển sang vi xử lý 64 bit cho hiệu suất cao hơn và thậm chí các ứng dụng sau này được hỗ trợ tốt hơn. Điều này có thể thấy cho đến thời điểm hiện tại, iPad Air thế hệ đầu tiên vẫn có mức giá cao lên đến gần 3 triệu đồng.
Bên cạnh đó, kho ứng dụng cũng đã được làm lại từ rất rất lâu và được phân thành các mục rất trực quan. Chẳng hạn nếu bạn sử dụng iPhone chắc chắn bạn sẽ tải các phiên bản dành cho iPhone với màn hình nhỏ hơn. Nhưng nếu bạn dùng iPad, bạn sẽ có tùy chọn cả 2 phiên bản dành cho iPad hoặc iPhone.
Đỉnh cao nhất của iPad đến với thế hệ iPad Air 2, lúc này, Apple đã phát hành cấu hình phần cứng dành riêng cho iPad với vòng đời hỗ trợ cực kỳ lâu dài. Ra mắt từ năm 2014 nhưng iPad Air 2 vẫn có thể hỗ trợ đến thế hệ iPadOS 15.2 với thời gian tối đa đạt 8 năm. Thử hỏi xem liệu rằng có bao nhiêu chiếc máy tính bảng Android làm được điều này.
Nhưng không phải vì vậy mà iPad giảm hiệu năng hay không sử dụng được bất kỳ điều gì. iPad Air 2 vẫn đáp ứng tốt hầu hết các tác vụ của người dùng cơ bản dù cho thời gian đã trôi qua rất lâu. Điều này nhờ vào phần cứng hàng đầu với Apple A8X cùng dung lượng RAM 3GB đầu tiên trên các thiết bị di động của Apple.
Apple luôn có những phần cứng tốt nhất dành cho iPad
Trở lại với năm 2023, Google Pixel Tablet tưởng chừng được trang bị phần cứng nào rất mạnh mẽ nhưng đã không xuất hiện. Vi xử lý Tensor G2 vẫn xuất hiện trở lại và tiếp tục được dùng trên Google Pixel 7a cùng Google Pixel Tablet. Hiệu suất của vi xử lý này không thực sự đáp ứng kỳ vọng quá mạnh mẽ ra sao thì bạn cũng có thể đã biết.
Chính vì vậy, mình cảm giác như Pixel Tablet sinh ra không dành để cạnh tranh với iPad đến từ Apple. Google dường như đang có định hướng khác cho dòng sản phẩm của mình với các tính năng thông minh mà vi xử lý mang lại. Điều này giúp ích cho Google rất nhiều và cũng dễ thấy khi hãng đã từng giới thiệu trên Pixel 7 cùng Pixel 7 Pro.
Ngược lại với iPad của Apple, thiết bị được nhấn rất mạnh về hiệu suất của vi xử lý mang lại khi đảm bảo hiệu suất rất lớn cho hàng loạt tác vụ của người dùng sáng tạo nội dung. Sản phẩm còn được hỗ trợ rất lớn bởi các nhà phát triển ứng dụng bên thứ 3 khác như Adobe hay gần đây nhất là phần mềm Final Cut đã được đưa lên máy tính bảng.
Cùng với đó, nếu bạn có theo dõi hoặc từng xem qua những nghệ sĩ, những người sáng tạo nội dung kỹ thuật số có thể thấy họ thường chọn iPad cho công việc của mình thay vì các thiết bị khác như Galaxy Tab hay Android Tablet. Điều này cho thấy vị thế đã không còn có thể cạnh tranh của những sản phẩm Android đối với Apple mà cụ thể là iPad.
Trong khi các sản phẩm Android thì vẫn đang loay hoay với dòng vi xử lý ARM của Qualcomm dành cho các thiết bị di động. Chẳng hạn, Snapdragon 8 Gen 1 đã được trang bị trên Galaxy Tab S8 series thì lại dùng chung với Galaxy S22 series. Hay mới đây nhất là Snapdragon 8 Gen 2 for Galaxy trên Galaxy Tab S9 series thì đã xuất hiện trên Galaxy S23 series.
Với các dòng vi xử lý kể trên thì liệu rằng có đường nào để so sánh các tablet Android với iPad. Apple vào năm 2020 đã cho cả thế giới bất ngờ khi chuyển từ vi xử lý x86 của Intel sang vi xử lý ARM với Apple M1. Điều này đã mở ra hệ sinh thái rất lớn và cho thấy tiềm năng sức mạnh khủng khiến của Apple mang lại. Những chiếc iPad đã được hưởng lợi rất nhiều khi được trở về với iPadOS cả về sức mạnh và thời gian sử dụng pin.
Google Pixel Tablet có thể xem như chiếc màn hình thông minh
Google thực sự đã “đầu hàng” Apple trọng thế giới tablet khi đã và đang định hướng Pixel Tablet trở thành chiếc màn hình thông minh thay vì ra mắt hệ điều hành hoàn toàn mới để cạnh tranh với Apple. Hay tối ưu hóa ứng dụng cũng như cung cấp dòng vi xử lý nào đó thực sự vượt trội.
Tại sao nhỉ? Thực sự mà nói các mà Google hướng đến cho Pixel Tablet rõ ràng đã thay đổi rất nhiều so với kỳ vọng của người dùng trước đó. Hãng đã đưa thiết bị của mình vào danh mục của sản phẩm điều khiển nhà thông minh mà Google đang thiết lập nên hệ sinh thái của riêng mình.
Cùng với đó, Google cũng không có bất kỳ động thái nào cho thấy khả năng tối ưu hóa được cải thiện trên nền tảng hệ điều hành của Pixel Tablet. Các ứng dụng vẫn sẽ là phiên bản được phóng to từ điện thoại cho trải nghiệm không hề khác biệt so với các sản phẩm khác của thế giới Android.
Rõ ràng dấu hiệu này đúng là “lá cờ trắng” của Google đối với cuộc đua của 2 gã khổng lồ với nhau. Hiện tại, Apple thực sự đã quá “out trình” so với tablet Android hay chính Google cũng đã thừa nhận điều này.
Nhưng không may cho Google khi hãng cũng gặp rắc rối với định hướng biến sản phẩm của mình trở thành màn hình thông minh. Các tính năng cơ bản của màn hình thông minh gần như tương đồng với chế độ Standby của iOS 17 mang đến.
Nhưng ngoài ra, Pixel Tablet còn hỗ trợ khả năng điều khiển nhà thông minh với Google Assistant nên thị trường ngách mà Google lựa chọn vẫn còn rất nhiều khoảng trống. Chỉ là khá đáng tiếc khi Google không còn hỗ trợ các nhà sản xuất tối ưu trải nghiệm trên máy tính bảng nữa.
Còn lại gì đối với thị trường máy tính bảng Android
Nếu bạn đang cảm thấy thị trường ảm đạm của máy tính bảng Android thì cũng đừng quá lo lắng. Nếu như phân khúc cao cấp dành cho nhà sáng tạo nội dung là thị trường dành riêng cho Apple và Samsung thì vẫn còn đó những phân khúc khách hàng rất tiềm năng khác.
Giao diện thì chúng ta có Dex Mode của Samsung mang lại trải nghiệm tương tự như chiếc máy tính thực sự. Cho phép người dùng làm việc liền mạch hơn và hỗ trợ đa nhiệm cửa sổ nổi ấn tượng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, việc này không thể giải quyết triệt để các ứng dụng dành cho nhà sáng tạo nội dung sử dụng với bút S Pen hoặc thiết kế.
Trong khi đó, phần khúc thấp hơn với các sản phẩm như Lenovo Legion Y700 (2023) sử dụng vi xử lý Snapdragon 8+ Gen 1 rõ ràng vẫn vô đối so với iPad Gen 9 hoặc iPad Gen 10 nhờ vào yếu tố giá cả. Nhưng có sự thật khá đau lòng là hầu hết các mẫu máy tính bảng nổi trội trên thị trường chỉ dành riêng cho thị trường Trung Quốc mà thị trường toàn cầu lại chẳng còn bao nhiêu sản phẩm.
Ngoài ra, iPad cũng cho khả năng tối ưu hơn nên trải nghiệm sử dụng về lâu về dài sẽ nghiêng nhiều hơn về những chiếc máy tính bảng của Apple. Hãng giúp cho trải nghiệm cập nhật hệ điều hành liên mạch hơn và hạn chế nhiều tình trạng khó chịu khi sử dụng lâu dài dẫn đến giật lag.
Tóm lại
Rõ ràng với những phân tích kể trên của mình đã cho thấy sự "đầu hàng" của Google trước vị thế đã quá lớn và khác xa của Apple so với những năm 2011. Với những nỗ lực không quá mạnh mẽ từ Google thì việc có thể cạnh tranh sòng phẳng với iPad là điều cực kỳ khó khăn. Do đó, hiện tại người dùng Android chỉ có thể trông chờ vào tiềm năng phát triển của các nhà sản xuất bên thứ 3 như Samsung hay Xiaomi để một ngày nào đó vực dậy thời hoàng kim của máy tính bảng Android.